Đến nay, việc tiếp cận với những loại SIM này cũng không quá khó khăn. Theo khảo sát của PV Dân trí tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh SIM ở quận 3, TPHCM, quá trình mua SIM diễn ra tương đối đơn giản.
Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, cá nhân sẽ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao khi muốn đăng ký mới thuê bao di động trả trước. Đồng thời, từ ngày 1/8/2022, thuê bao mới phát sinh cũng sẽ phải thực hiện xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy vậy, tại nhiều cửa hàng, người bán đều không yêu cầu khách hàng cung cấp bất cứ thông tin gì. Chủ cửa hàng cho biết nhiều loại SIM đã được đăng ký trước. Người dùng chỉ cần lắp vào điện thoại và có thể sử dụng, không cần quan tâm thêm bất cứ vấn đề nào khác.
Dĩ nhiên, người mua cũng có thể yêu cầu chủ cửa hàng hỗ trợ đăng ký thông tin chính chủ theo đúng quy định. Tuy vậy, hầu hết người mua đều không chú ý đến vấn đề trên.
Chưa dừng lại ở đó, SIM rác còn được bày bán một cách tràn lan trên các trang thương mại điện tử. Chỉ với một số từ khóa đơn giản, người dùng có thể dễ dàng tìm mua được một chiếc SIM với mức giá từ vài chục nghìn đồng.
Từ các loại SIM thông thường cho tới SIM data trọn gói, tất cả đều có thể mua được mà không cần cung cấp thông tin cá nhân. Thậm chí, với một số loại SIM 4G trọn gói, người bán còn cam kết sẽ “bảo hành” trong suốt thời hạn sử dụng, đảm bảo thuê bao sẽ không bị khóa.
Tại cuộc họp vào sáng 13/3 về kế hoạch triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao, ông Nguyễn Phong Nhã – Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết đến ngày 31/3, các thuê bao hoạt động phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Việc đảm bảo thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin trong cơ sở quốc gia về dân cư sẽ góp phần giải quyết tình trạng SIM, thuê bao di động không đúng quy định”, ông Nhã chia sẻ.
Bạn đã từng bị cuộc gọi, tin nhắn từ sim rác làm phiền? Hãy để lại ý kiến ở ô “Bình luận” bên dưới.
Nguồn: Báo dân trí