Theo thông tin từ các nhà mạng, trong đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao vừa qua, có hơn 3,84 triệu thuê bao cần phải chuẩn hóa lại do sai thông tin so với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư.
Tính đến hết ngày 31/3, đã có 2,17 triệu SIM thực hiện việc chuẩn hóa, tương đương 56,49% tổng số thuê bao cần chuẩn hóa lại thông tin. Từ ngày 31/3 đến hết ngày 13/4, có thêm 473.000 thuê bao đã đi chuẩn hóa thông tin. Như vậy, đến nay có gần 1,2 triệu thuê bao sẽ bị khóa hai chiều.
Trao đổi với PV Dân trí, các nhà mạng cho biết từ ngày 15/4, tất cả thuê bao chưa thực hiện việc chuẩn hóa thông tin sẽ bắt đầu bị khóa hai chiều.
Sau thời điểm bị khóa thuê bao 2 chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua trang web và ứng dụng của nhà mạng. Thay vào đó, khách hàng sẽ cần phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của nhà mạng để thực hiện mở khóa. Để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin, khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân như CCCD hoặc hộ chiếu.
Đến ngày 15/5, các nhà mạng sẽ thực hiện thu hồi số thuê bao nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời.
“Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là công việc cần làm thường xuyên của các doanh nghiệp viễn thông. Sau đợt này, quá trình đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư của nhà mạng vẫn sẽ tiếp tục. Những thuê bao có thông tin chưa đúng quy định sẽ tiếp tục được đề nghị chuẩn hóa”, ông Nguyễn Phong Nhã – Phó cục trưởng Cục Viễn thông, chia sẻ.
Ông Nhã cũng nhấn mạnh rằng người sử dụng thuê bao cần hiểu được sự quan trọng của việc dùng SIM điện thoại với thông tin chính xác, từ đó phối hợp với các nhà mạng để có được một môi trường dịch vụ di động văn minh, an toàn.
Mới đây, trong văn bản gửi đến Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết thời gian vừa qua, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra phổ biến.
Mặc dù thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có. Điều này đã dẫn đến tình trạng bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân đã bị thiệt hại về tài sản.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên, xử lý triệt để vấn đề SIM rác, Bộ TT&TT triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4/2023 – 5/6/2023.
Nguồn: Báo dân trí