Theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet tại Việt Nam, đơn vị quản lý tuyến cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway) sẽ bắt đầu quá trình sửa chữa sự cố trên tuyến cáp này vào ngày 23/3 tới đây và dự kiến hoàn tất vào ngày 27/3.
Trước đó, cáp quang APG đã gặp phải sự cố vào tháng 12/2022, tại phân đoạn S6 gần Hồng Kông (Trung Quốc).
Ngoài APG, một tuyến cáp quang khác nối Việt Nam đi quốc tế cũng đang gặp sự cố là AAG (Asia America Gateway) dự kiến sẽ được sửa chữa từ ngày 30/3 đến ngày 4/4.
Ngoài ra, đại diện của nhà mạng này cho biết tuyến cáp quang Liên Á (IA – Intra Asia) chưa có kế hoạch sửa chữa sự cố cụ thể, nhưng dự kiến quá trình khắc phục sự cố sẽ bắt đầu vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Tuyến cáp quang thứ 4 đang gặp sự cố là AAE-1 (Asia – Africa – Europe 1) hiện chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch sửa chữa.
Như vậy, nếu mọi thứ diễn ra như đúng kế hoạch, phải đến cuối tháng 3 tuyến cáp quang biển đầu tiên nối Việt Nam đi quốc tế mới được khắc phục, giúp cải thiện tốc độ mạng Internet tại Việt Nam.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, lần đầu tiên trong lịch sử có đến 4/5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế đồng thời gặp sự cố, bao gồm IA, APG, AAG và AAE-1; chỉ duy nhất tuyến cáp quang SMW-3 (Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu) là vẫn hoạt động và khai thác bình thường.
Ngoài SMW-3, hiện vẫn còn một số tuyến cáp quang trên đất liền nối Việt Nam đi quốc tế đang hoạt động bình thường, tuy nhiên, phần lớn lưu lượng kết nối Internet tại Việt Nam đều được truyền tải thông qua 4 tuyến cáp quang đang gặp sự cố, do vậy, sự cố này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ Internet tại Việt Nam.
Dù các nhà mạng đã áp dụng nhiều phương án chia sẻ lưu lượng giữa các tuyến cáp kết nối quốc tế, mở các kênh truy cập bổ sung… để đảm bảo kết nối của người dùng. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, khi nhu cầu của người dùng và lưu lượng kết nối Internet tăng cao như chơi game, xem phim trực tuyến… sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng kết nối Internet.
Việc mạng Internet chậm vào giờ cao điểm khiến nhiều người dùng cảm thấy bức xúc và khó chịu. Người dùng Internet hy vọng đơn vị vận hành các tuyến cáp quang sẽ sớm khắc phục sự cố, giúp tốc độ kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế phục hồi trở lại.
Trên thực tế việc sự cố gặp phải trên các tuyến cáp quang biển từ Việt Nam đi quốc tế đã trở nên rất quen thuộc trong thời gian qua, mà hầu như năm nào cũng gặp phải ít nhất một vài lần, gây không ít khó khăn và bất tiện cho người dùng Internet trong nước.
Nguyên nhân đứt cáp quang biển khá đa dạng, nhưng chủ yếu do sợi cáp nằm ở vị trí có nhiều tàu bè thả neo đậu hoặc khi di chuyển quên kéo neo lên. Hậu quả là những chiếc neo này khi di chuyển vô tình mắc vào sợi cáp làm đứt. Đôi khi sự cố cáp quang liên quan đến nguồn điện hoặc đơn giản đơn vị vận hành tiến hành bảo trì… cũng sẽ làm ảnh hưởng đến lưu lượng truyền tải của cáp quang.
Nguồn: Báo dân trí