“Tôi giật mình khi nhìn thấy nội dung bên trong tin nhắn. Tôi không nghĩ rằng những tin nhắn gạ tình, mời chào bán dâm lại có thể công khai như vậy”, anh Vương Thuấn, một nhân viên văn phòng tại TPHCM, chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, khi truy cập theo đường dẫn đính kèm tin nhắn, người dùng sẽ được chuyển đến một tài khoản Telegram có tên “*** Call Girl”. Tài khoản này cho biết chuyên cung cấp các “Sugar Baby” là sinh viên cần hỗ trợ kinh tế.
Từ cuối tháng 3, các nhà mạng đã đồng loạt yêu cầu người dùng chuẩn hóa thông tin thuê bao trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Một thuê bao di động được coi là trùng khớp với thông tin trong CSDLQG về dân cư khi thuê bao đó có các thông tin như họ tên, ngày sinh và số CCCD/CMND trùng với CSDLQG về dân cư.
Trong cuộc họp thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, cho biết đến hết ngày 24/4 vẫn còn gần 1 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều. Từ ngày 15/5, số thuê bao này chính thức bị các nhà mạng thu hồi.
Động thái trên được kỳ vọng sẽ hạn chế thuê bao rác, từ đó giảm bớt tình trạng tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo xuất hiện tràn lan trong suốt thời gian qua. Tuy vậy, tình trạng tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi rác vẫn diễn ra một cách ngang nhiên.
Nhiều người dùng phản ánh rằng họ vẫn nhận được những lời mời “làm cộng tác viên kiếm tiền từ xa” hay “việc nhẹ lương cao”. Đây là hình thức lừa đảo đã xuất hiện từ lâu, với chiêu trò mời làm các công việc rất đơn giản như chia sẻ nội dung trên nền tảng TikTok, YouTube hoặc ấn theo dõi, thả tim các video.
Với lời hứa có thể dễ dàng kiếm được từ 200.000-400.000 đồng/ngày, các đối tượng sẽ tạo niềm tin với nạn nhân bằng cách trả lương rất đầy đủ trong thời gian đầu. Sau đó, nạn nhân cần phải nâng cấp nhiệm vụ để nâng mức lương.
Từ đây, các đối tượng sẽ bắt đầu thực hiện nhiều chiêu trò dẫn dắt để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Không ít người đã vô tình sập bẫy của những đối tượng lừa đảo và mất trắng hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện một nhà mạng cho biết những trường hợp người dùng sử dụng số điện thoại không phải do cá nhân đăng ký sở hữu thuê bao đó (thuê bao không chính chủ), nhưng thông tin đăng ký trùng khớp với CSDLQG thì vẫn được tính là hợp lệ. Đây chính là kẽ hở giúp cho SIM rác vẫn ngang nhiên tồn tại tràn lan trên thị trường.
Gần đây, trong văn bản gửi đến Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết thời gian vừa qua, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra phổ biến. Mặc dù thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng.
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có. Điều này đã dẫn đến tình trạng bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân đã bị thiệt hại về tài sản.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên, xử lý triệt để vấn đề SIM rác, Bộ TT&TT triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4/2023 – 5/6/2023.
Nguồn: Báo dân trí