Trao đổi với PV Dân trí, đại diện một nhà mạng cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam là số lượng thuê bao cần chuẩn hóa thông tin quá lớn. Trong khi đó, việc thông báo và liên hệ với khách hàng chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
“Nhiều khách hàng không xem các tin nhắn mà nhà mạng gửi đến điện thoại, không sử dụng điện thoại thường xuyên hoặc không để ý đến các thông tin trên truyền thông. Những khách hàng này chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc đứng tên chính chủ số điện thoại mà mình đang sử dụng và việc thông tin thuê bao cần trùng khớp với dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư”, đại diện nhà mạng chia sẻ.
Vị này nói thêm rằng việc thông tin thuê bao không được chuẩn hóa có thể ảnh hưởng đến quá trình sử dụng các dịch vụ hành chính công của khách hàng, đặc biệt là các dịch vụ cần được xác thực thông báo qua số điện thoại cá nhân.
Thống kê mới nhất từ Cục Viễn thông cho biết tính đến hết ngày 26/3, đã có 1,63 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa thông tin với CSDLQG về dân cư. Con số này tương đương với 42,4% tổng số thuê bao mà các doanh nghiệp viễn thông đã xác định cần thực hiện cập nhật thông tin trong đợt này. Hiện tại, còn hơn 2,2 triệu thuê bao chưa thực hiện việc cập nhật.
Theo quy định, sau ngày 31/3, nếu khách hàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ một chiều và tiếp tục gửi tin nhắn thông báo tới chủ thuê bao.
Đến ngày 15/4, sẽ tiếp tục khóa dịch vụ 2 chiều cho các thuê bao chưa đáp ứng yêu cầu và sẽ thực hiện thu hồi số thuê bao từ ngày 15/5 nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời.
Quy định này nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng các dịch vụ viễn thông, đồng thời hạn chế tình trạng SIM rác trên thị trường. Người dùng hoàn toàn có thể thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tại nhà thông qua mạng Internet, hoặc liên hệ với tổng đài thông qua đường dây nóng của mỗi nhà mạng để được hướng dẫn cụ thể.
Nguồn: Báo dân trí