SIM rác làm khổ người dùng tại Việt Nam ra sao? –

Trong cuộc thăm dò ý kiến được Dân trí thực hiện với câu hỏi “Bạn đã từng bị cuộc gọi, tin nhắn từ SIM rác làm phiền?”, tính tới sáng 23/3, có tới 6.233 người (98%) trong tổng số 6.353 người tham gia khảo sát xác nhận rằng họ từng bị làm phiền bởi SIM rác.

“Cháy máy” vì cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo

SIM rác từ lâu đã trở thành vấn nạn, gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Thậm chí, SIM rác còn được xem là tác nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng lừa đảo qua cuộc gọi và tin nhắn. Giai đoạn cận Tết âm lịch 2023, rất nhiều người than phiền về việc bị “tấn công” bởi hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo.

Không ít kẻ gian đã mạo danh cơ quan chức năng để thực hiện hành vi lừa đảo (Ảnh minh họa).

“Ngày nào tôi cũng nhận được khoảng 3-4 cuộc gọi rác, từ mời làm những công việc nhẹ nhàng lương cao, cho đến kêu gọi tham gia đầu tư tiền ảo, sàn giao dịch BO”, anh Hoàng Anh, một nhân viên văn phòng tại quận 3, TPHCM cho biết.

“Tôi bị làm phiền bởi hàng loạt cuộc gọi rác từ nhiều số lạ, mời xem video TikTok, YouTube để kiếm tiền. Do tôi thường đặt mua hàng trên mạng nên không thể từ chối các số điện thoại lạ. Những cuộc gọi rác như trên khiến tôi tốn rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến công việc”, chị Mỹ Hạnh, sống tại quận 2, TPHCM chia sẻ.

Chưa dừng lại ở đó, kẻ gian còn nhiều lần mạo danh công an, cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo. Giữa tháng 11/2022, nhiều người dùng phản ánh rằng họ đã nhận được một số cuộc gọi tự xưng đến từ “Cục viễn thông”. Những cuộc gọi này có một điểm chung là đều đưa ra thông báo sẽ khóa SIM của người nghe.

Theo các chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đây là một trong những kịch bản phổ biến được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng. Mục đích của các đối tượng lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng. Những thông tin cá nhân này sau đó có thể bị lạm dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Từ đầu năm 2021, các đối tượng lừa đảo cũng từng giả danh công an và thực hiện hành vi lừa đảo với kịch bản “thông báo người dùng gây tai nạn ở Đà Nẵng” hoặc “đang bị điều tra liên quan đến một vụ án nghiêm trọng”. Từ đó, kẻ gian sẽ đe dọa nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản định sẵn để xác minh rồi chiếm đoạt.

SIM rác làm khổ người dùng tại Việt Nam ra sao? - 2

Rất nhiều người dùng cũng liên tục bị làm phiền bởi các tin nhắn rác, bán SIM số đẹp hay mời chào cho vay (Ảnh: Thế Anh).

Bên cạnh cuộc gọi, nhiều người dùng cũng liên tục bị làm phiền bởi các tin nhắn rác, bán SIM số đẹp hay mời chào cho vay. Giữa năm 2022 rộ lên hàng loạt tin nhắn lừa đảo tuyển dụng nhân viên TikTok, Telegram.

Trên thực tế, lời mời “việc nhẹ lượng cao” là chiêu trò mà các đối tượng thường xuyên sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Điểm chung của chúng là mời làm việc để có thêm thu nhập với công việc rất đơn giản như chia sẻ nội dung trên nền tảng TikTok hoặc ấn theo dõi, thả tim các video.

Với lời hứa có thể dễ dàng kiếm được từ 200.000-400.000 đồng/ngày, các đối tượng sẽ tạo niềm tin với nạn nhân bằng cách trả lương rất đầy đủ trong thời gian đầu. Sau đó, nạn nhân cần phải nâng cấp nhiệm vụ để nâng mức lương. Từ đây, các đối tượng sẽ bắt đầu thực hiện nhiều chiêu trò dẫn dắt để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nhiều giải pháp nhằm hạn chế SIM rác

Tại phiên trả lời chất vấn vào ngày 4/11/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cuộc gọi rác là vấn nạn toàn cầu, không riêng gì tại Việt Nam.

Bộ cũng đã tập trung xử lý SIM rác, là phương tiện để thực thi các hành vi lừa đảo. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 22 triệu thuê bao không có đầy đủ thông tin hoặc thông tin không chính xác bị xóa khỏi hệ thống.

SIM rác làm khổ người dùng tại Việt Nam ra sao? - 3

Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 22 triệu thuê bao không có đầy đủ thông tin hoặc thông tin không chính xác bị xóa khỏi hệ thống (Ảnh: Thế Anh).

Trước tình trạng các cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác liên tục gia tăng, Bộ TT&TT nhận thấy cần phải có một kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh của khách hàng một cách thống nhất và thuận tiện nhất. 

Do đó, bên cạnh đầu số 5656 (cũ), Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông thống nhất từ 8 giờ sáng ngày 1/11/2022 đã triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156 (miễn phí). 

Gần đây nhất, tại cuộc họp vào sáng 13/3 về kế hoạch triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao, ông Nguyễn Phong Nhã – Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết đến ngày 31/3, các thuê bao hoạt động phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao di động cần phải được cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp,…). Đồng thời, từ ngày 1/8/2022, thuê bao mới phát sinh cũng sẽ phải thực hiện xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Một thuê bao di động được coi là trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thuê bao đó có các thông tin như họ tên, ngày sinh và số CCCD/CMND trùng với CSDLQG về dân cư.

Từ ngày 15/3, các nhà mạng di động ở Việt Nam đã gửi tin nhắn, triển khai cuộc gọi thông báo tới các thuê bao di động trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những chủ tài khoản nhận được tin nhắn đa phần là những người dùng có thông tin chưa khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

SIM rác làm khổ người dùng tại Việt Nam ra sao? - 4

Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế số lượng SIM rác (Ảnh minh họa).

Theo quy định, sau ngày 31/3, nếu khách hàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ một chiều và tiếp tục gửi tin nhắn thông báo tới chủ thuê bao.

Đến ngày 15/4, sẽ tiếp tục khóa dịch vụ 2 chiều cho các thuê bao chưa đáp ứng yêu cầu và sẽ thực hiện thu hồi số thuê bao từ ngày 15/5 nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời.

Quy định này nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng các dịch vụ viễn thông, đồng thời hạn chế tình trạng SIM rác trên thị trường. Người dùng hoàn toàn có thể thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tại nhà thông qua mạng Internet, hoặc liên hệ với tổng đài thông qua đường dây nóng của mỗi nhà mạng để được hướng dẫn cụ thể. 

“Việc đảm bảo thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin trong cơ sở quốc gia về dân cư sẽ góp phần giải quyết tình trạng SIM, thuê bao di động không đúng quy định”, ông Nhã chia sẻ.

Nguồn: Báo dân trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *