Vào tháng 6 năm ngoái, hãng công nghệ viễn thông Huawei đã công bố về công nghệ mạng 5.5G, được xem là bước phát triển của mạng 5G hiện tại. Về lý thuyết, mạng 5G ở điều kiện lý tưởng sẽ cho tốc độ tải tối đa 10Gb/s (tương đương 1,2 GB/s), tuy nhiên, trên thực tế hiện tại mạng 5G chỉ đạt tốc độ truy cập từ 800Mb/s (tương đương 100MB/s) đến 1Gb/s (125MB/s).
Công nghệ mạng 5.5G sẽ cho tốc độ truy cập tăng lên gấp 10 lần so với mạng 5G, luôn ở mức 10Gb/s (1,2GB/s). Ngoài ra, độ trễ cũng sẽ được cải thiện gấp 10 lần giúp mang lại trải nghiệm ổn định và tốt nhất cho người dùng.
Mạng 5.5G cũng cho phép tăng số lượng thiết bị có thể kết nối từ 10 tỷ lên 100 tỷ, lượng khí thải CO2 thải ra trên mỗi Terabyte dữ liệu được truyền đi qua mạng 5.5 sẽ giảm gấp 10 lần, giúp bảo vệ môi trường tốt hơn. Với tốc độ truyền tải nhanh và ổn định hơn, mạng lưới lái xe tự động sẽ được nâng từ cấp độ 3 lên 4, giúp tăng hiệu quả của quá trình vận hành.
Tại Hội nghị Di động Thế giới 2023 (MWC 2023) đang diễn ra ở thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), Huawei một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của kỷ nguyên 5.5G và làm rõ những lợi ích mà công nghệ mạng này mang lại.
Mạng 5.5G sẽ giúp các ứng dụng 3D, chẳng hạn như mua sắm trực tuyến 3D, trò chơi thực tế ảo 24K VR, video 3D không cần kính… trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai. Các dịch vụ có trải nghiệm nhập vai trong vũ trụ ảo vốn đã nhen nhóm xuất hiện trong kỷ nguyên 5G, tuy nhiên, kỷ nguyên 5.5G sẽ giúp bùng nổ các dịch vụ này. Với những đột phá liên tục trong công nghệ thiết bị và sự sáng tạo nổi bật về nội dung, số lượng người sử dụng các dịch vụ nhập vai và tương tác trực tuyến trong kỷ nguyên 5.5G dự kiến sẽ vượt 1 tỷ, tăng gấp 100 lần so với hiện nay.
Đối với các doanh nghiệp dựa trên điện toán đám mây, mạng 5.5G sẽ giúp kết nối theo thời gian thực đáng tin cậy hơn, mang lại cơ hội cho các mạng truyền dẫn cho dù chúng nằm giữa các nút đám mây biên, giữa nút đám mây biên và đám mây trung tâm, hay giữa doanh nghiệp và đám mây.
Mạng 5.5G cũng có thể được sử dụng rộng rãi trong các dịch vụ giao thông đường bộ, các thành phố thông minh… giúp cơ sở hạ tầng đô thị thông minh hoạt động hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, trong điều kiện thời tiết mưa hoặc sương mù, mạng lưới 5.5G có thể tự động phát hiện sớm chướng ngại vật hoặc những điểm bất thường trên đường, và thông báo cho người lái xe trước 1 km thông qua bản đồ trong ôtô để việc di chuyển an toàn hơn.
Mạng 5.5 được xem là cột mốc quan trọng đối với ngành viễn thông. Đây sẽ là một “cuộc đua” mới của các nhà mạng viễn thông, trước khi mạng 6G được nghiên cứu và hoàn tất quá trình phát triển.
Nguồn: Báo dân trí